1001… loại lá xuất khẩu
Ngày 16.1, trao đổi với phóng viên NTNN, ông Lâm Minh Thành - Giám đốc Công ty Thành Hải (TP.HCM) cho biết, thị trường Mỹ, nhất là Việt kiều ở nước này rất mê sản phẩm lá chuối nên mặt hàng này khá đắt khách. Hiện nay, mỗi tháng, Thành Hải xuất khoảng 1 container 20 tấn lá chuối vào thị trường Mỹ, và nhiều khả năng sẽ còn tăng lên do đơn đặt hàng của các siêu thị ngày càng nhiều.
Sơ chế đậu nành rau xuất khẩu tại Công ty Antesco (An Giang).
Nếu trước đây, lá chuối Việt Nam thường được bà con Việt kiều dùng trong dịp lễ, tết để gói bánh tét, bánh ít thì nay mặt hàng này đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước có biển, hầu như quanh năm đều có nhu cầu. Loại lá này đang rất được Việt kiều và người dân các nước ở Đông Âu ưa chuộng, họ dùng để gói bọc và bảo quản đồ đông lạnh do lá chuối có khả năng giữ nhiệt, không ảnh hưởng đến chất lượng, mùi vị của sản phẩm. Để có lá chuối xuất khẩu, Công ty Thành Hải phải mở rộng vùng thu mua sang các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương...
Tương tự, lá dong trong những ngày cận tết là sản phẩm truyền thống không thể thiếu của bà con Việt kiều ở nước ngoài. Ông Trần Thanh Toàn - chủ cơ sở bánh chưng Trần Gia (Đồng Nai), cho hay, dịp Tết Quý Tỵ 2013, cơ sở có hợp đồng xuất sang thị trường Mỹ, EU, Đài Loan… khoảng 5 - 6 tấn lá dong. Lá dong xuất khẩu chủ yếu được cộng đồng người Việt ở nước ngoài mua để bà con quây quần gói bánh chưng cho đỡ nhớ nhà và cũng để thưởng thức truyền thống quê hương.
Ngoài ra, các loại lá dứa, lá chanh, lá ớt (các loại lá thơm), ngọn rau khoai lang cũng được Công ty TNHH Tân Đông ở TPHCM thu mua xuất khẩu. Hiện mỗi tháng công ty này xuất 5 - 6 container các loại lá, bánh và nông sản của VN sang thị trường EU, Mỹ, Úc… Công ty TNHH Châu Tuấn (TP.HCM) cũng thường xuyên xuất khẩu đi EU các lô hàng nón, giỏ xách làm bằng chất liệu lá buông, lá bàng...
Hối hả phục vụ tết xa
Ngoài các loại lá, thì củ kiệu, bánh tét, bánh chưng… cũng là một trong những mặt hàng xuất khẩu mạnh vào dịp tết. Ngoài Pháp, năm nay Công ty Hương Cảnh (TP.HCM) đã có thêm thị trường mới cho đặc sản Việt tại Nhật Bản với hợp đồng xuất khẩu 2 container kiệu muối chua. Theo ông Nguyễn Văn Long - Giám đốc Công ty Hương Cảnh, để xuất khẩu được kiệu sang Nhật, công ty phải xây dựng vùng trồng kiệu theo tiêu chuẩn VietGAP, trong quá trình xử lý sản phẩm phải chuẩn hóa theo các tiêu chuẩn của Nhật Bản và truy xuất được nguồn gốc.
Xác định xuất khẩu đặc sản tuy số lượng ít nhưng ổn định nên nhiều doanh nghiệp quyết tâm bám sát và giữ thị trường. Năm nay, Công ty TNHH Long Uyên (Mỹ Tho, Tiền Giang) vừa đầu tư trên 3 tỷ đồng để nhập thiết bị, máy móc của Đức chế biến, bảo quản các mặt hàng ớt, gừng, khoai, rau củ, trái cây các loại để bán sang Hàn Quốc, Úc, Malaysia, Singapore.
Công ty Vinamit (TP.HCM) cũng đang chuẩn bị khoảng 20 tấn nông sản sấy khô xuất đi Mỹ, Canada, Trung Quốc… phục vụ kiều bào ăn Tết Quý Tỵ. Ngoài các mặt hàng sấy truyền thống như: Mít, dứa, xoài, chuối, kẹo đậu phộng… năm nay Vinamit tung ra nhiều sản phẩm mới: Hạt sen tẩm mật ong, hạt sen trà xanh, hạt sen ô mai; hạt đậu nành; hạt đậu đen…
Theo Phụng Anh (Dân việt)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét