Từng là một trong những điểm bán hàng vỉa hè xôm tụ nhất tại Hà Nội vào các năm trước nhưng trong những ngày gần đây, quán trà chanh tại ngã tư Cát Linh rơi vào cảnh ế ẩm. Chị Hoa, người có 8 năm bán hàng tại khu vực này, cho biết, trước đây, đặc biệt vào mùa hè, quán rất đông đúc, xe của khách thậm chí còn phải để sang vỉa hè bên kia đường mới đủ chỗ. Khi đó, ngoài 2 vợ chồng, chị còn phải thuê thêm vài người giúp việc, và cắt cử cả một nhân viên trông xe.
Theo chị Hoa, vào mùa hè, các hàng trà chanh tại Cát Linh thường mở cửa từ 5h30 và bán đến gần 12h đêm. Sang đến mùa đông, thời gian dọn hàng đã muộn hơn 1 tiếng, nhưng vẫn cố duy trì giờ đóng cửa. Riêng năm nay, vì quá vắng khách nên chưa tới 11h, các quán đã rục rịch về hết.
Buốn bán ế ẩm khiến chủ quán chẳng buồn dọn ghế ra vỉa hè.
"Năm ngoái, nhiều người trong khu phố vẫn giữ thói quen đưa cả gia đình ra quán trà chanh vào cuối tuần, nhưng sang đến năm nay thì chẳng còn ai. Ngay cả khách vãng lai cũng giảm hẳn vì mùa đông lạnh bất thường kéo dài, lại liên tục mưa phùn vào chiều tối. Tiền bán hàng so với năm trước không được một phần mười, chủ yếu trông vào bán trà nóng, hướng dương, còn trà đá, nước ngọt, hoa quả, bánh kẹo đi kèm thì hầu như không có ai mua. Bây giờ việc bán hàng cũng chỉ cần một mình tôi, nhân viên đều cho nghỉ cả", chị Hoa than thở.
Cùng cảnh ngộ của chị Hoa, những quán trà vỉa hè nổi tiếng tại Hà Nội như ngã tư Sở, Trần Huy Liệu, chùa Láng, Nhà Thờ... đều chỉ có bàn ghế trơ trọi. Khu vực trước cổng sân vận động Quốc gia Mỹ Đình vốn rất đông người vào thời gian trước thì nay chỉ còn lác đác vài quán mở bán, số khách ít ỏi ngồi quây quanh các đống lửa nhỏ chỉ lưu lại trong chốc lát rồi ra về.
Các quán bán đồ nướng lẩu cũng không thoát cảnh ế khách.
Các quán hàng chuyên phục vụ thực khách vào mùa đông như nướng, lẩu... trên địa bàn quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Đống Đa ở Hà Nội cũng vắng khách hơn hẳn so với các năm trước. Theo một chủ quán nướng trên đường Hồ Tùng Mậu, thời gian này vào năm ngoái là mùa làm ăn được của cửa hàng, nhưng mọi chuyện khác hẳn khi Hà Nội càng đến cuối năm Âm Lịch càng rét đậm.
"Cuối tuần lượng khách đến ăn có đông hơn, nhưng chủ yếu là sinh viên đại học quanh địa bàn, còn khách hàng nơi khác thì rất ít. Nếu mọi năm, thời điểm giao giữa tết Dương Lịch và tết Âm lịch là lúc nhiều công ty, hội nhóm tổ chức ăn tất niên, các quán vỉa hè cũng ăn nên làm ra thì năm nay, khách hàng thích vào các cửa hàng lớn để ăn uống hơn, vì trời lạnh và thường xuyên có mưa", anh Hiếu, chủ cửa hàng lẩu nướng trên đường Hồ Tùng Mậu cho hay.
Mới hơn 9h tối nhưng vì trời mưa, ít khách, nên chủ cửa hàng bán gấu bông này đã dọn hàng.
Không chỉ kinh doanh thực phẩm vỉa hè bị ảnh hưởng bởi thời tiết lạnh mà những người bán hàng đổ đống dọc đường Xuân Thủy, Cầu Giấy cũng chịu chung cảnh ế khách. Nếu như vào mùa hè, con phố này vẫn còn cảnh mua bán đến tận 11h đêm thì nay mới hơn 9h, các chủ sạp hàng đều đã rục rịch dọn đồ.
"Trời mưa ẩm liên tục, bày hàng ra chỉ lo quần áo, thú bông mốc, bẩn. Thi thoảng lắm mới có người hỏi mua, nhưng nhìn túi bọc ướt nước, người ta cũng ngại lấy hàng. Có khi cả tuần không bán được cái gì, tôi cũng tính xoay sở sang nghề khác trong mùa đông năm nay, nhưng sợ bỏ chỗ lâu quá thì đến lúc quay lại bị người khác chiếm mất, nên dù khó bán mấy cũng vẫn phải bày hàng. Tôi sống nhờ vỉa hè cả chục năm nay rồi, không bỏ nghề được", một chủ hàng trên đường Xuân Thủy tâm sự.
Mua sắm - Giá cả đang được đọc nhiều nhất:
Làng đào Nhật Tân phấp phỏng canh hoa chờ Tết
Khuyến mãi bán hàng... dởm
Gần Tết Âm lịch, quýt hồng lại "lên ngôi"
Rét hại, đào Tết "dọa" tăng giá gấp ba
Theo Hạ Minh (Infonet) (1028 bình chọn, 7/10 điểm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét