Mọi năm, mùa Tết là thời điểm các doanh nghiệp (DN) ngành hàng thực phẩm tung sản phẩm mới để kích thích sức mua. Tuy nhiên năm nay, các DN lớn như Vissan, Cầu Tre, Agifish, Việt Hương… gần như không có sản phẩm mới.
Làm mới trên nền sản phẩm hiện có
Trao đổi với chúng tôi, rất nhiều DN cho biết đã nghiên cứu nhiều sản phẩm mới nhưng năm nay, kinh tế quá khó khăn nên không dám tung ra. Đại diện Công ty Vissan cho biết so với cùng kỳ năm 2011, sức mua thấp hơn 10%. Đang lúc sức mua chậm, nếu giới thiệu sản phẩm mới phải chi tiền quảng bá, tiếp thị… mà hiệu quả thu về không cao.
Trên nền sản phẩm hiện có, hầu hết DN đầu tư mạnh vào chất lượng, mẫu mã, khâu phân phối, khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng và làm mới từ những thứ đã có sẵn. Theo ông Phan Văn Thiện, Phó Tổng Giám đốc Công ty Bibica, để cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập, Bibica thiết kế lại bao bì, mẫu mã hàng Tết đẹp hơn, chất lượng bánh ngon hơn; song song đó là quảng bá thật tốt để người tiêu dùng biết sản phẩm bánh kẹo Việt Nam có chất lượng tốt nhưng giá rẻ hơn hàng ngoại nhập 20%-30%. Công ty Kinh Đô cũng dự kiến tăng 20% lượng bánh kẹo các loại bán ra thị trường mùa Tết.
Nhiều doanh nghiệp cho biết sức mua dịp Tết Nguyên Đán năm nay khó dự đoán.
Riêng Công ty CP Sài Gòn Food, bà Lê Thị Thanh Lâm, phó tổng giám đốc, cho biết: Ngoài các sản phẩm chủ lực là lẩu đông lạnh các loại, thực phẩm chế biến, năm nay, Sài Gòn Food vẫn duy trì một số mặt hàng đặc trưng cho mùa Tết như lẩu, chả giò, tôm tẩm bột, lạp xưởng tôm bibi, lạp xưởng tôm xông khói, seachip ăn liền…
Doanh nghiệp lo hàng tồn
Bên cạnh các hoạt động nhằm tìm đầu ra cho sản phẩm, các DN đều cho biết không thể tăng giá hoặc chỉ tăng nhẹ 5% vì nếu tăng giá, nguy cơ tồn hàng rất cao. “Ba tháng trở lại đây, chúng tôi chi cho khuyến mãi, giảm giá rất nhiều nhưng doanh số vẫn không bằng cùng thời điểm năm 2011. Từ nay đến cuối năm, DN không nghĩ tới chuyện tăng giá, lời lỗ mà lo có bán được hàng hay không vì nếu bán không được sẽ tồn kho, chôn vốn” - đại diện một DN sản xuất thực phẩm cho biết.
Không chỉ DN sản xuất, các nhà phân phối bán lẻ cũng rốt ráo lên kế hoạch “đẩy” hàng Tết. Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, dự đoán Tết này không lo thiếu hàng, tăng giá mà chỉ lo làm cách nào để “đẩy” hàng ra thị trường và kích cầu. Giá điện vừa tăng thêm 5% nhưng chắc chắn các DN không dám điều chỉnh giá bán vì hiện tại, vừa bán vừa khuyến mãi mà vẫn chậm.
Đến thời điểm này, tất cả các nhà bán lẻ đã hoàn tất việc chuẩn bị hàng Tết, chốt giá với nhà cung cấp. So với các năm trước, cơ cấu hàng Tết năm nay có thay đổi: tăng tỉ trọng sản phẩm thiết yếu, hàng của DN trong nước sản xuất. Tại hệ thống BigC, các loại bánh kẹo đóng hộp nội địa chiếm đến 90%. Co.opmart đẩy mạnh tuyên truyền ủng hộ hàng Việt thông qua việc ưu tiên sản phẩm Việt, thiết kế giỏ quà Tết thuần Việt bao gồm các sản phẩm do DN Việt sản xuất (trong đó có một số đặc sản làng nghề), giá bán chỉ 150.000 đồng.
Tiểu thương kinh doanh ngành bánh kẹo thực phẩm tại chợ đầu mối Bình Tây (quận 6 - TPHCM) cũng cho biết chủ yếu nhập hàng trong nước sản xuất vì lo ngại hàng Trung Quốc không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bị người tiêu dùng tẩy chay. Theo Thanh Nhân (Người lao động) (2051 bình chọn, 6/10 điểm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét